Phát triển giáo dục tại Hải Phòng các hệ thống mầm non, tiểu học và cơ sở cũng như đội ngũ giáo viên được mở rộng và phát triển không ngừng
- Tiền đồng phục học sinh nhà trường không được trực tiếp thu tiền?
- Học sinh diện chính sách được hỗ trợ tiền mua sách tại Sơn La
- Nhiều trường THCS tại Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai chương trình tiếng Nhật
Lắng nghe các ý kiến, đề xuất từ lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ:
Phát triển nhân lực là một trong trong những điều kiện và yêu cầu phát triển của địa phương.
Tuy nhiên, chiến lược phát triển của từng địa phương cần được tính toán kỹ, để có sự hài hoà về số lượng cũng như chất lượng.
Đánh giá cao việc Hải Phòng nêu bật tầm quan trọng về vốn con người, Bộ trưởng đồng thời đưa ra 8 gợi mở hướng đi cho Giáo dục Hải Phòng trong thời gian tới:
Thứ nhất, quy hoạch mạng lưới giáo dục mầm non: Không nên khuyến khích công lập ở bậc học mầm non, mà nên theo hình thức xã hội hóa, tăng cường giám sát chất lượng.
Thứ hai, hệ thống các trường tiểu học, phổ thông cơ sở đã ổn định, việc phát triển mạng lưới tư thục dân lập cần theo hướng chất lượng cao. Đối với các trường công lập cần đưa vào các yếu tố tiên tiến, quốc tế; có thể quốc tế hoá từng phần nhưng về cơ bản phải giữ được nề nếp.
Thứ ba, vấn đề về giáo viên và đội ngũ nhà giáo: Bộ đang rà soát xây dựng chuẩn giáo viên. Những thầy cô gần đạt chuẩn cần tăng cường bồi dưỡng hơn là đào tạo mới. Những giáo viên xa chuẩn phải có lộ trình để hướng tới chuẩn.
Hải Phòng không nên tuyển viên chức mà nên tăng tuyển dụng theo hình thức hợp đồng, tạo sự sàng lọc, đỡ áp lực biên chế và địa phương. Về cán bộ quản lý, phải có tính toán theo hướng mở và liên thông, phải gắn với tiêu chí cán bộ quản lý nhà giáo để đội ngũ quản lý phải có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng.
Thứ tư, đẩy mạnh dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường: Đây là chủ trương lớn của toàn Ngành trong việc nỗ lực phổ cập tiếng Anh, coi tiếng Anh như ngoại ngữ thứ hai. Nếu không làm mạnh thì không bao giờ có kết quả tốt như mong muốn.
Đến nay, tình hình dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường đã có chuyển biết tốt, nhưng chưa rõ nét. Để đưa việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả hơn, Đề án Ngoại ngữ 2020 đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Anh tiến tới dạy tiếng Anh song ngữ đang được triển khai. Bộ tập trung vào đào tạo giáo viên, hướng tới một số môn học khoa học tự nhiên có thể sử dụng sách tiếng Anh các nước để học.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin: Cần phải đưa ra tài liệu đạt chuẩn, bài học điện tử, triển khai mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường. Bộ đang xây dựng cổng điện tử để các tỉnh, thành cùng tham gia. Mong rằng Hải Phòng sẽ là thành phố đi đầu trên cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, trở thành một Thành Phố Thông Minh.
Thứ sáu, phát huy hiệu quả của hệ thống các trường đại học: Hải Phòng nên chuyển đổi cách làm, tự chủ theo cơ chế giao nhiệm vụ. Các trường cao đẳng có tính chất đào tạo nghề thì xã hội hóa, hạn chế bao cấp. Ở địa phương, trường đại học nên theo hướng ứng dụng, thực hành.
Thứ bảy, quốc tế hoá giáo dục: Bộ GD&ĐT ủng hộ chuỗi trường liên cấp quốc tế. Tuy nhiên, tất cả các trường phải có chuẩn mực theo chuỗi chất lượng. Nếu đã tìm được đối tác tốt thì Bộ ủng hộ, để thành phố Hải Phòng bắt nhịp với nhu cầu giáo dục và đào tạo hội nhập khu vực và quốc tế.
Thứ tám, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố: Theo thống kê, hiện Hải Phòng có 5 trường cao đẳng, 4 trường đại học, chiếm 2% sinh viên và 2,5% giảng viên trên cả nước.
Hải Phòng cần phải đặt quy hoạch trong số tỷ lệ 2% sinh viên này, có bao nhiêu sinh viên được đào tạo gắn với nhu cầu thành phố. Là một thành phố biển, Hải Phòng cần chú trọng đến đào tạo các ngành liên quan đến kinh tế biển, logicstic, môi trường biển.
Chia sẻ với tâm tư của lãnh đạo thành phố Hải Phòng về việc nhà đầu tư vào rất nhiều mà cần tay nghề cao, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn trao đổi:
Điểm yếu nhất của giáo dục phổ thông là phân luồng. Chúng ta cần phải có trách nhiệm hướng dẫn để các em học hết lớp 9 đạt được những chuẩn cơ bản gì, từ đó điều chỉnh mạnh những nội dung học phần đi theo hướng tích hợp, tăng cường hướng nghề, đẩy mạnh phân luồng sau THPT hiệu quả.
Hệ thống trường nghề cũng nên xã hội hóa. Đào tạo nghề phải gắn với người sử dụng, đào tạo ra dùng được, các cháu ra có chỗ làm, tránh việc đào tạo dẫn đến ùn ứ, chạy theo bằng cấp.
Tới đây, việc xây dựng chương trình đào tạo phải tính tới độ linh hoạt phản ánh hết truyền thống lịch sử, bản sắc địa phương và phản ánh nhu cầu lao động thành phố.