Bảng giá dịch vụ Y tế mới chính thức được áp dụng chính thức trên cả nước vào ngày 15-11, có 1.800 dịch vụ Y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá lên gấp từ 2 đến 7 lần so với giá dịch vụ cũ. Việc tăng giá viện phí này hoàn toàn là đúng!
- Bộ Y tế tăng giá dịch vụ Y tế vì lợi ích người bệnh?
- Ai được hưởng lợi khi Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ?
Giá dịch vụ Y tế tăng gấp 2 đến 7 lần
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT được chia làm 2 lộ trình: Thứ nhất, từ ngày 15-11-2015, viện phí sẽ tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật); giai đoạn 2 từ ngày 1-3-2016, viện phí sẽ tính cả tiền lương. Theo bảng giá dự kiến, cuối năm 2015 viện phí sẽ tăng nhẹ nhưng đến năm 2016 sẽ tăng mạnh. Ước tính viện phí sẽ tăng từ 2-7 lần so với hiện nay, trong đó giá dịch vụ y tế tại bệnh viện tuyến Trung ương dự kiến sẽ tăng gấp đôi, tại bệnh viện tuyến huyện, tỉnh sẽ tăng 5 lần.
Chẳng hạn, đối với giường hồi sức cấp cứu, mức phí tối đa tại bệnh viện hạng đặc biệt hiện nay là 335.000 đồng/ngày nhưng từ giữa tháng 11 tới đây sẽ tăng lên 354.000 đồng và sang năm 2016 tăng vọt lên gần 680.000 đồng. Tại các bệnh viện hạng 4 và chưa phân hạng, giá giường điều trị nội trú cũng tăng từ 55.000 đồng/giường/ngày lên 66.000 đồng từ giữa tháng 11-2015 và tiếp tục nhảy lên 165.000 đồng, tức tăng gấp 3 lần. Riêng giá khám bệnh sẽ tăng 2-4 lần tùy hạng bệnh viện…
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT- BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay giá dịch vụ y tế mới chỉ tính đủ 3/7 yếu tố cấu thành viện phí. Mức giá viện phí cụ thể sắp ban hành tới đây ngoài 3 yếu tố hiện tại sẽ được cộng thêm yếu tố thứ tư là các khoản chi tiền lương, phụ cấp vào kết cấu giá. Việc điều chỉnh lần này về bản chất là sự chuyển dịch của các khoản chi trước đây được Nhà nước bao cấp, chi trực tiếp cho các bệnh viện sang kết cấu vào giá dịch vụ y tế. Đây là đòi hỏi khách quan nhằm hướng tới sự đổi mới căn bản về cơ chế tài chính và là cơ sở để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Nếu không tăng dịch vụ Y tế thì ngành Y tế Việt Nam không thể nào phát triển?
Theo một số chuyên gia Y tế, nếu không tăng dịch vụ y tế thì ngành y tế Việt Nam không thể nào phát triển. Với giá dịch vụ y tế như hiện nay, ngành Y tế lấy đâu kinh phí đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, đó là chưa kể đến máy móc có kỹ thuật hiện đại, con người… Như vậy, ngành Y tế chỉ ngày càng xuống cấp và người trực tiếp chịu ảnh hưởng đó chính là bệnh nhân.
Theo phân tích của ông Thuận, thời gian qua, ngành Y tế đã chậm tăng giá dịch vụ y tế dẫn đến ngân sách phải bù lỗ và cạn kiệt nguồn ngân sách nhà nước, kéo theo việc xuống cấp các dịch vụ công khác, ảnh hưởng đến giá thành chung của toàn quốc cũng tăng theo khi không có nguồn đầu tư thích đáng. Đó là chưa kể đến chi phí đào tạo liên tục cho đội ngũ nhân viên y tế để đảm bảo hiệu quả khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Hiện nay, xét về quan điểm kinh tế Y tế thì việc tăng chi phí này vẫn chưa đủ để bù đắp cho chi phí thực tế và mong muốn có một nền y tế lành mạnh. Nghĩa là hiệu quả khám chữa bệnh cao phải xét trên tổng thể toàn xã hội chứ không chỉ xét trong phạm vi hạn hẹp của chi phí từng bệnh viện hay chi phí trực tiếp liên quan đến từng ca điều trị của từng bệnh nhân.
Tăng giá dịch vụ Y tế là xu thế tất yếu của xã hội?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 27-10, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đúng là giá dịch vụ y tế tới đây sẽ được điều chỉnh tăng từ 2-7 lần so với hiện hành song thực chất, tính bình quân thì mức tăng không quá lớn. Lý do bởi hầu hết trong số 1.800 dịch vụ y tế áp dụng ở tuyến trung chỉ tăng 2 lần, một số dịch vụ y tế có thể tăng 7 lần nhưng chiếm số lượng không nhiều và không phải là dịch vụ có mức giá cao nên ảnh hưởng đến người bệnh cũng không quá lớn.
“Việc tính yếu tố tiền lương vào kết cấu giá viện phí là xu thế tất yếu phải làm. Hiện nay trong tổng số tiền từ ngân sách chi thường xuyên cho bộ máy Y tế, chiếm đến gần 60% là chi cho tiền lương cán bộ Y tế. Do vậy, tăng giá viện phí lên thì ngân sách Nhà nước sẽ giảm bớt nguồn tiền chi trả lương cho cán bộ y tế, không phải chi thường xuyên cho các bệnh viện nữa và số tiền này được chuyển sang để hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng tham gia BHYT. Mặt khác, chúng ta đang tiến tới lộ trình BHYT toàn dân và khi đạt BHYT toàn dân thì giá viện phí tăng sẽ có lợi cho người bệnh có BHYT. Điều quan trọng lúc này là phải kiên trì chủ trương và đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân” – ông Nguyễn Văn Tiên nói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiên, cùng với tăng viện phí thì về lâu dài ngành Y tế cần phải có chính sách minh bạch, tách biệt các dịch vụ y tế xã hội hóa trong bệnh viện công, không để công – tư lẫn lộn trong bệnh viện để đảm bảo đúng và đầy đủ quyền lợi của người bệnh.
Trích nguồn : Báo An Ninh Thủ Đô