Bạo lực học đường trong môi trường Giáo dục ngày càng gia tăng và đáng lên tiếng báo động. Phải chăng tình trạng này sẽ mãi tiếp diễn khi những người đứng đầu sự nghiệp ngành Giáo dục vẫn chưa tìm được giải pháp ngăn chặn?
- Học sinh bị rút bớt nửa tháng ôn thi thi THPT Quốc gia 2016
- Giáo dục ĐH không nên phân biệt trường top cao – thấp?
Những con số đáng lên tiếng Báo động
Trong clip ngắn có tiêu đề Nữ sinh Thanh Hóa bị đánh hội đồng để mua vui được lan truyền chóng mặt vào những ngày cuối tháng 8, ghi lại việc một nữ sinh đang đứng bên hồ nước của công viên trung tâm huyện Vĩnh Lộc bị một nữ sinh mặc áo trắng túm tóc, tát, đánh túi bụi vào mặt, đầu. Sau đó một nữ sinh khác lao vào túm tóc và đạp liên tục vào bụng… Được biết, nạn nhân là em N.T.T (học sinh lớp 11 Trường THPT Vĩnh Lộc) bị em T.N.Q.N (học sinh lớp 9 Trường THCS Vĩnh Thành cùng với P.T.H, H.T.M.H và N.T.D (cùng trường với nạn nhân) “hỏi tội” vì mâu thuẫn trên facebook. Trong khi N. và H. liên tiếp “ngược đãi” T. thì D. dùng điện thoại di động quay lại toàn bộ vụ việc.
Trước đó, hẳn nhiều người vẫn chưa quên clip có tiêu đề Nữ sinh Trà Vinh bị đánh hội đồng được đăng tải trên mạng xã hội cách đây nửa năm của các em học sinh lớp 7.Trong clip là cảnh một nữ sinh bị dồn vào góc tường, tay ôm đầu mặc cho đám bạn đánh túi bụi vào đầu và mặt. Diễn biến clip càng khiến người xem thêm “choáng” khi nữ sinh này tiếp tục bị các bạn cùng lớp ném thẳng chồng ghế nhựa vào đầu. Đáng tiếc hơn, khi sự việc xảy ra thì cả nhà trường và gia đình nạn nhân vẫn không hề hay biết, mãi đến khi đoạn clip bị phát tán rộng rãi trên mạng thì họ mới… thảng thốt! Điều đáng nói, trong những clip trên đều có tiếng hò hét, cổ vũ của những người ngoài cuộc mà không thấy một học sinh nào đứng ra bênh vực hay ngăn cản.
Nguyên nhân nào khiến bạo lực học đường ngày một tăng?
Theo TS. Tâm lý Huỳnh Văn Sơn phân tích, đầu tiên phải kể đến nguyên nhân từ bản thân học sinh, đó là sự phát triển của tính tự trọng, đời sống xúc cảm, tình cảm thiếu kiểm soát, nhu cầu được kính nể, ngưỡng mộ. Các em đang thiếu hụt kỹ năng sống, rối loạn hành vi thiếu kiểm soát bản thân. Gia đình là nguyên nhân thứ hai, có thể nói hành vi ứng xử của bố mẹ với nhau cũng ảnh hưởng rất nhiều, một số cha mẹ bị sức hút của đồng tiền lôi cuốn và quên đi nhiệm vụ quan tâm, chăm sóc con cái.
Bên cạnh đó, kỷ luật thô bạo của cha mẹ đi liền với những mức độ hung hăng cao hơn ở học sinh. Còn Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định, các trang mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Nếu học sinh tiếp nhận nó ở góc độ giải trí, trao đổi về việc học… thì sẽ giúp cho các em một số vấn đề nhất định trong cuộc sống. Nhưng nếu các em tiếp nhận nó ở góc độ tiêu cực thì mạng xã hội sẽ truyền tải những thông tin, những clip mang tính bạo lực vào trong đầu non nớt của các em. “Khi gặp các tình huống gây hấn hay xích mích nhỏ, các em chưa đủ nhận thức, bình tĩnh và đưa ra được các giải pháp hợp lí để xử lí các mối bất hòa.
Cần phòng chống bạo lực học đường tại các trường học?
Trong khi đó các hình ảnh bạo lực đã được lan truyền trên các trang mạng xã hội sẽ tự nhiên xuất hiện trong đầu các em và hành vi bạo lực sẽ bùng phát như một phản xạ tự nhiên để trước hết là tự bảo vệ mình, thứ hai là tự khẳng định cái tôi của mình. Với lứa tuổi đang ở giai đoạn phát triển về tâm sinh lí nên cách suy nghĩ sẽ rất bồng bột và tự phát. Bởi vậy, các em sẽ có những cách hành xử mà chính các em cũng không lường được hậu quả” – Luật sư Thảo nói. Và để ngăn ngừa những vụ bạo lực học đường, hiện nay các tổ chức xã hội, đoàn thể đã tổ chức những cuộc hội thảo để đề ra chương trình Phòng chống bạo lực học đường tại các trường học. Song song đó, trên mạng xã hội Facebook nhiều bạn đã chia sẻ trang Phòng chống bạo lực học đường như cách để học sinh, sinh viên truyền đạt với nhau những kỹ năng cơ bản để phòng chống bạo lực.
Theo đó, giáo viên chủ nhiệm đảm nhận trách nhiệm ở cả trong và ngoài lớp học của mình chủ nhiệm, không để định kiến xảy ra trong lớp học, lắng nghe, tham gia tích cực vào các nhóm, tổ chức chống bạo lực của học sinh, nâng cao khả năng nhận biết các dấu hiệu của bạo lực, dạy cho học sinh cách thức giải quyết xung đột và kỹ năng làm chủ cảm xúc của mình. Gia đình cần dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc con hơn thay vì chỉ đóng vai trò là những cái “máy rút tiền”.
Bởi khi không được cha mẹ quan tâm đúng mức, các em sẽ cảm thấy cô đơn, thiếu thốn tình cảm, đặc biệt, nếu không được định hướng đúng đắn, các em sẽ làm theo ý thích của mình. Còn với nhà trường, ngoài việc đào tạo tri thức cũng nên coi trọng việc rèn người, dạy kỹ năng sống, đồng thời cần phải thay đổi mục tiêu giáo dục từ đào tạo học sinh thành “cỗ máy” giải bài sang đào tạo một con người nhân ái có tri thức. Để làm sao mỗi lần nói đến học trò là phải nghĩ ngay đến những cô bé cậu bé hồn nhiên trong tấm áo trắng tinh khôi chứ không phải nghĩ đến giang hồ áo trắng.
Luật sư : Nguyễn Thạch Thảo nói :
Mức phạt tiền đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục đánh nhau sẽ từ 500.000 – 1 triệu đồng. Nhưng nếu thực hiện hành vi cố ý gây thương tích mà tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng sử dụng hung khí nguy hiểm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 104 BLHS, có khung hình phạt thấp nhất từ 6 tháng đến 3 năm, cao nhất có thể lên tới 20 năm hoặc tù chung thân nếu gây ra chết người.
Trích nguồn : Báo Một Thế Giới